Thứ Bảy, 3 tháng 11, 2012

Yoga - Triết Lý 8 Bước


>> HAI BƯỚC ĐẦU TIÊN: là thực hành Yama Niyama, hay các nguyên tắc đạo đức hướng dẫn sự phát triển của con người, mục tiêu là để đạt tới sự hoàn thiện của tâm trí.

>> BƯỚC THỨ BA: là Asana. Một Asana là một tư thế được giữ cố định một cách thoải mái. Đây là phần nổi tiếng nhất của yoga, nhưng nó cũng thường bị hiểu sai. Asana không phải là các bài tập thông thường như thể dục. Asana là những bài tập đặc biệt có hiệu quả cụ thể lên các tuyến nội tiết, các khớp, cơ bắp, dây chằng và dây thần kinh.
Khía cạnh quan trọng nhất của Asana là tác động lên các tuyến nội tiết, nơi tiết xuất hoóc-môn trực tiếp vào máu. Nếu một trong các nội tiết tiết xuất quá ít hoặc quá nhiều thì cơ thể sẽ có vấn đề.
Bên cạnh việc mang lại sức khỏe thể chất, các Asana có một ảnh hưởng quan trọng đối với tâm trí. Sự cân bằng của các tuyến nội tiết giúp cho sự cân bằng của tâm trí. Cũng nhờ các tác động mạnh mẽ lên các trung tâm thần kinh, các Asana giúp kiểm soát các khuynh hướng tâm trí ở các trung tâm này.

>> BƯỚC THỨ TƯ: là Pranayama hay kiểm soát năng lượng sức sống. Yoga định nghĩa cuộc sống như trạng thái tồn tại song song của sóng thể chất và tâm trí. Các năng lượng sức sống này gọi là các vayu hay "khí". Có 10 loại khí vayu có trong cơ thể con người, chịu trách nhiệm về các hoạt động bao gồm thở, lưu thông máu, bài tiết, vận động tứ chi... Điểm kiểm soát của tất cả các khí vayu này là một cơ quan gọi là Pranendriya.
Trong Pranayama có một quá trình đặc biệt điều chỉnh hơi thở để nhịp của Pranendriya dừng lại và tâm trí trở nên yên tĩnh. Pranayama cũng điều chỉnh lại sự cân bằng của năng lượng sức sống trong cơ thể. Luyện tập Pranayama là một bài tập phức tạp và có nguy hiểm nếu không được chỉ dạy và hướng dẫn bởi một thầy có kinh nghiệm.

>> BƯỚC THỨ NĂM: Pratyahara có nghĩa là rút tâm trí khỏi sự ràng buộc với ngoại cảnh. Trong thiền định Yoga, đó là quá trình người tập thiền thu rút tâm trí về một điểm trước khi nhắc câu trú mantra.

>> BƯỚC THỨ SÁU: là Dharama, có nghĩa là tập trung tâm trí vào một điểm cụ thể. Điểm này (Ista Cakra) khác nhau ở từng người và do người thầy dạy thiền chỉ dẫn khi khai tâm. Khi tâm trí được tập trung vào điểm đó, quá trình niệm trú mantra bắt đầu. Khi mất tập trung, người tập phải lập lại quá trình đưa tâm trí trở về điểm tập trung đó. Việc luyện tập mang tâm trí đến một điểm tập trung là một dạng của Dharama.



>> BƯỚC THỨ BẢY: khi một người thành thạo kĩ năng Dharama  có thể học bước bảy là Dhyana. Quá trình này phức tạp và chỉ được dạy khi người tập đã luyện tất cả các bước trước đó, đặc biệt là Dharama. Dhyana giúp hoàn thiện lớp tâm trí tinh vi nhất và dẫn người tập tới bước cuối cùng của Astaunga Yoga là Samadhi.

>> SAMADHI: không giống bảy nước nêu trên bởi nó không phải là một bài tập mà đúng hơn là kết quả của các phần khác của Astaunga Yoga. Đó là thu hút tâm trí vào cái triết lý Yoga gọi là Ý thức tối cao. Những ai kinh nghiệm trạng thái này không thể giải thích hoặc miêu tả được nó bởi nó diễn ra khi tâm trí ngưng hoạt động.

Theo thuật ngữ Yoga, Thiền được gọi là "Dhyama", nghĩa là "dòng chảy của tâm trí". Đây là một trạng thái tinh khiết và tập trung cao độ khi tâm trí xuôi chảy không gì cản trở, hoàn toàn đắm mình trong ý nghĩ về Ý thức vũ trụ. Một người mới nhập môn, mỗi lúc chỉ có thể giữ cho tâm trí tập trung vào Thiền trong vài giây mà thôi. Dần dần với sự giúp sức của kĩ thuật Thiền đã được điều chỉnh cho thích hợp với khả năng mỗi cá nhân, người tập sẽ Thiền ngày càng lâu hơn. Mục đích cao nhất của Thiền là đạt trạng thái không tồn tại ý thức cá nhân, triết lý Yoga coi đó là lúc đã đạt được Đổng Nhất Vũ Trụ.
Để điều khiển tâm trí trong khi Thiền, chúng ta cần có điểm tập trung. Đó là nhờ sử dụng một mantra hoặc một rung động âm thanh đặc biệt. Các mantra là những từ của ngôn ngữ Phạn, có những tính chất nhịp nhàng, có khả năng tạo ra sự tập trung, có khả năng tạo ra ý tưởng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét